Virus hợp bào hô hấp là gì? Các công bố khoa học về Virus hợp bào hô hấp

Virus Hợp Bào Hô Hấp (Respiratory Syncytial Virus - RSV) gây bệnh đường hô hấp, đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Thuộc họ Paramyxoviridae, RSV là virus RNA không phân đoạn, có vỏ bọc, lây truyền qua giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp. Triệu chứng nhẹ như cảm lạnh hoặc có thể nặng hơn, dẫn đến bệnh về phổi. Chẩn đoán bằng các xét nghiệm như RT-PCR, chưa có thuốc đặc trị nhưng triển khai điều trị hỗ trợ. Phòng ngừa bằng vệ sinh cá nhân, hiện chưa có vắc-xin phổ biến, nhưng có Palivizumab cho trẻ nguy cơ cao.

Giới thiệu về Virus Hợp Bào Hô Hấp

Virus Hợp Bào Hô Hấp (Respiratory Syncytial Virus - RSV) là một loại virus thuộc họ Paramyxoviridae, họ này có liên quan mật thiết với các virus khác gây bệnh về đường hô hấp. RSV là nguyên nhân phổ biến gây viêm nhiễm đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ và có thể gây bệnh nghiêm trọng ở người cao tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Đặc điểm sinh học

RSV là một loại virus RNA không phân đoạn, có vỏ bọc và có hình dạng cầu. Virus này được đặt tên "syncytial" vì khả năng của nó kết hợp các tế bào lân cận để tạo thành các hợp bào đa nhân trong quá trình lây nhiễm. RNA của RSV mã hóa cho 11 protein, trong đó có hai protein bề mặt là G và F, đóng vai trò quan trọng trong sự gắn kết và hợp nhất của virus với tế bào vật chủ.

Cơ chế lây nhiễm

RSV lây truyền chủ yếu qua các giọt bắn nhỏ và tiếp xúc trực tiếp. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt chứa virus có thể lây lan sang người khác. RSV cũng có thể sống một thời gian ngắn trên bề mặt đồ vật, do đó, việc chạm vào các bề mặt này và sau đó chạm vào mặt có thể dẫn đến lây nhiễm. Virus có thể lây lan nhanh chóng trong các cộng đồng đông đúc như trường học, nhà trẻ và bệnh viện.

Triệu chứng và biến chứng

Các triệu chứng của nhiễm RSV có thể nhẹ và giống cảm lạnh thông thường, bao gồm ho, sổ mũi, đau họng và sốt. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ và người già, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, dẫn đến viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi. Một số người có thể cần nhập viện để điều trị, đặc biệt là trẻ sơ sinh và những người có tình trạng sức khỏe cơ bản yếu.

Phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán RSV thường dựa trên đánh giá lâm sàng và có thể được xác nhận bằng các xét nghiệm phòng thí nghiệm. Các xét nghiệm phổ biến bao gồm xét nghiệm kháng nguyên nhanh, phản ứng chuỗi polymerase dịch chuyển ngược (RT-PCR), và nuôi cấy virus. RT-PCR là phương pháp nhạy nhất và chính xác nhất để phát hiện RSV.

Phương pháp điều trị

Hiện tại, chưa có thuốc đặc trị cho RSV và điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ, bao gồm việc duy trì độ ẩm không khí, cung cấp nước đầy đủ, và sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể cần hỗ trợ thở bằng máy thở oxy. Một số thuốc mới đang được nghiên cứu và phát triển với hy vọng sẽ phòng ngừa hoặc điều trị hiệu quả hơn trong tương lai.

Phòng ngừa nhiễm RSV

Phòng ngừa RSV chủ yếu dựa vào các biện pháp vệ sinh cá nhân, như rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bệnh, và vệ sinh bề mặt đồ vật. Hiện có một số vaccine đang được phát triển, nhưng chưa có sản phẩm nào được cấp phép rộng rãi. Palivizumab, một loại kháng thể đơn dòng, được sử dụng để phòng ngừa RSV cho trẻ có nguy cơ cao, nhưng chỉ áp dụng cho những trường hợp nhất định.

Virus Hợp Bào Hô Hấp là một vấn đề y tế công cộng quan trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em và người cao tuổi. Hiểu biết rõ về các đặc điểm, cách lây truyền, và biện pháp phòng ngừa có thể giúp giảm thiểu tác động của virus này đối với cộng đồng.

Danh sách công bố khoa học về chủ đề "virus hợp bào hô hấp":

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VIÊM PHẾ QUẢN PHỔI NHIỄM RSV (Respiratory Syncytial Virus) Ở TRẺ EM TẠI BỆNH VIỆN SẢN NHI VĨNH PHÚC
Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 505 Số 2 - 2021
Viêm phế quản phổi (VPQP) là bệnh lý thường gặp và là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Virus là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phế quản phổi ở trẻ em, trong đó virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân thường gặp nhất. Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân viêm phế quản phổi có nhiễm RSV dưới 5 tuổi tại Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc. Đối tượng nghiên cứu: 206 bệnh nhân dưới 5 tuổi viêm phế quản phổi có nhiễm RSV trong thời gian từ 01/6/2020 đến 31/05/2021. Phương pháp nghiên cứu: tiến cứu, mô tả cắt ngang. Kết quả: VPQP nhiễm RSV chủ yếu gặp ở nhóm tuổi < 12 tháng tuổi (91,2%). Các triệu chứng lâm sàng thường gặp là ho, chảy mũi, khò khè, thở nhanh, rút lõm lồng ngực đều chiếm tỷ lệ cao (> 80%). 98,5% bệnh nhân nghe phổi có rale. Hầu hết bệnh nhân có số lượng bạch cầu và CRP bình thường. 90,3% bệnh nhân có hình ảnh tổn thương phổi trên phim Xquang phổi. Trong nghiên cứu của chúng tôi, có đến 51,5% bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán VPQP nặng điều này cũng phù hợp với tỷ lệ trẻ < 2 tháng trong nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao. Kết luận: RSV hay gặp gây viêm phế quản phổi ở trẻ < 12 tháng tuổi. Triệu chứng hay gặp là ho, chảy mũi, khò khè, thở nhanh, rút lõm lồng ngực. Số lượng bạch cầu và CRP thường bình thường.
#Viêm phế quản phổi #virus hợp bào hô hấp #RSV
LIVESPO® NAVAX CHỨA BÀO TỬ LỢI KHUẨN BACILLUS HỖ TRỢ HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG VÀ GIẢM NỒNG ĐỘ VIRUS HỢP BÀO HÔ HẤP (RSV) Ở TRẺ EM
Đặt vấn đề/ Mục tiêu: Viêm nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV (Respiratory Syncytial virus) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh đường hô hấp. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm bước đầu khảo sát tác dụng hỗ trợ điều trị của sản phẩm probiotic LiveSpo® Navax dạng nước chứa bào tử lợi khuẩn Bacillus thế hệ LS-III ở nồng độ cao trên đối tượng trẻ em bị bệnh đường hô hấp cấp do nhiễm RSV tại bệnh viện Nhi Trung ương. Phương pháp: Bước đầu đánh giá trên 30 bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh viêm tiểu phế quản do nhiễm RSV tham gia vào nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng mù. Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm (n =15/nhóm): nhóm sử dụng LiveSpo® Navax (nhóm Navax) và nhóm sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% (nhóm Chứng), được hướng dẫn xịt mũi với tần suất 3 lần/ngày trong 6 ngày liên tục, kết hợp với sử dụng thuốc điều trị thường quy tại bệnh viện. Bệnh nhân được tiến hành theo dõi các chỉ số lâm sàng (khò khè, khó thở, độ bão hòa oxy,...) trong suốt thời gian điều trị và được thực hiện các xét nghiệm như: (i) đo tải lượng RSV, nồng độ của B. subtilis và B. clausii ở ngày 0 và ngày 3 trong dịch tỵ hầu bằng phương pháp Real-time PCR. Kết quả: Nhóm Navax có thời gian khỏi các triệu chứng xuất tiết mũi, khó thở, ran rít, ran ẩm, rút lõm lồng ngực sớm hơn nhóm đối chứng khoảng 1 ngày. Sau 3 ngày điều trị, tải lượng RSV ở nhóm Navax ở dịch tỵ hầu của bệnh nhân giảm khoảng 300 lần, trong khi nhóm đối chứng chỉ giảm 15 lần, có liên quan tới sự có mặt của bào tử vi khuẩn B. subtilis và B. clausii ở dịch mũi bệnh nhân nhóm Navax mà vắng mặt ở nhóm đối chứng. 100% bệnh nhân sử dụng LiveSpo® Navax không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào về rối loạn nhịp thở, mạch, kích ứng niêm mạc mũi, hay tiêu hóa. Kết luận: Đây là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở trẻ em đầu tiên trên thế giới về an toàn và tác dụng của probiotic bào tử lợi khuẩn Bacillus ở dạng xịt mũi. LiveSpo®Navax có tác dụng rút ngắn khoảng 1 ngày thời gian điều trị các triệu chứng điển hình của bệnh đường hô hấp do nhiễm RSV gây ra và làm giảm nồng độ virus hợp bào hô hấp RSV trong mũi của trẻ em hiệu quả hơn gấp 20 lần so với nước muối sinh lý. 
DỊCH TỄ LÂM SÀNG NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP CẤP NẶNG DO NHIỄM VIRUS HỢP BÀO HÔ HẤP TẠI KHOA ĐIỀU TRỊ TÍCH CỰC BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân nhiễm khuẩn hô hấp cấp (NKHHC) nặng có nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) tại khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nhi Trung ương. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả tiến cứu 83 bệnh nhân được chẩn đoán NKHHC nặng có nhiễm RSV tại khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng 05/2020 đến 05/2021. Kết quả: Tuổi trung bình 3,3 ± 2,1 tháng, tỷ lệ nam/nữ = 2/1. Đa số ca bệnh tập trung vào mùa thu đông (từ tháng 10 - 12). Bệnh nhân NKHHC nặng chiếm chủ yếu chiếm 72,3%. NKHHC rất nặng chiếm 27,7%. Các tình trạng suy chức năng sống nặng: suy hô hấp độ 3 chiếm 100%, suy tuần hoàn chiếm 31,3%,và suy đa tạng 34,9%. Thang điểm PRISM và PELOD tương đối cao. Hầu hết bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn kèm theo SIRS 68,7%, tăng CRP vàprocalcitonin 47% và 78,3%... Tỷ lệ trẻ sinh non cao (30,1%), tình trạng dị tật bẩm sinh kèm theo cao (40,9%), tình trạng bệnh nền cao (30,1%), tỷ lệ đồng nhiễm cao (53%). Đồng nhiễm vi khuẩn là yếu tố liên quan đến mức độ nặng của NKHHC nặng có nhiễm RSV (với p<0,05). Kết luận: Biểu hiện lâm sàng nặng nề nhưng không đặc hiệu. Tỷ lệ trẻ sinh non, dị tật bẩm sinh, bệnh nền và tỷ lệ đồng nhiễm vi sinh vật cao. Đồng nhiễm vi khuẩn là yếu tố liên quan đến mức độ nặng của NKHHC nặng có nhiễm RSV.
#Nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng #virus hợp bào hô hấp.
9. Viêm phổi nặng mắc phải cộng đồng liên quan vi rút hợp bào hô hấp ở trẻ em tại Cần Thơ
Vi rút hợp bào hô hấp (RSV - Respiratory syncytial virus) là một trong những tác nhân chính gây viêm phổi mắc phải cộng đồng (CAP - Community acquired pneumoniae) ở trẻ em. Đồng nhiễm vi sinh vật ở trẻ mắc CAP nặng liên quan RSV đang được quan tâm vì liên quan sử dụng kháng sinh. Qua phân tích 61 trẻ mắc CAP nặng liên quan RSV ghi nhận, bệnh thường xảy ra ở nhóm < 2 tuổi (70,5%); các triệu chứng lâm sàng hay gặp sốt, ho, thở nhanh, ran nổ ở phổi chiếm tỷ lệ cao > 85%. Xét nghiệm Real-time PCR dịch tỵ hầu ở những trẻ này ghi nhận đến 93,4% trẻ có tình trạng đồng nhiễm với vi khuẩn. Hai vi khuẩn đồng nhiễm nhiều nhất là Streptococus pneumoniae và Haemophilus influenzae. Do đó, kháng sinh vẫn là điều trị quan trọng đối với trẻ mắc CAP nặng liên quan RSV.
#Vi rút hợp bào hô hấp #viêm phổi mắc phải cộng đồng #trẻ em #Cần Thơ
VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM MỘT SỐ CẬP NHẬT VỀ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
Viêm tiểu phế quản cấp là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp dưới, biểu hiện bệnh với tình trạng viêm và tắt nghẽn đường hô hấp nhỏ. Nguyên nhân được biết là do virus hợp bào đường hô hấp và Rhinovirus. Trong hầu hết các trường hợp, viêm tiểu phế quản cấp là một bệnh tự giới hạn. Tuy nhiên, diễn tiến của bệnh có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tình trạng sanh non, khói thuốc lá, mùa, tuổi của trẻ,… khiến cho việc chẩn đoán và điều trị chủ yếu theo kinh nghiệm mà chưa thực sự dựa vào chứng cứ y học. Bài tổng quan này sẽ cung cấp một số thông tin cập nhật mới về chẩn đoán, điều trị cũng như dự phòng bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em dựa trên đồng thuận của AAP-American Academy of Pediatrics (Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ) và NICE-The National Institute for Health and Care Excellence (Viện Quốc gia về Sức khỏe và Chăm sóc toàn diện Anh quốc).
#Viêm tiểu phế quản cấp #trẻ em #virus hợp bào đường hô hấp
18. Đặc điểm dịch tễ học và một số yếu tố liên quan tới viêm tiểu phế quản mức độ nặng ở trẻ em nhiễm virus hợp bào hô hấp
Tạp chí Nghiên cứu Y học - Tập 172 Số 11 - Trang 159-166 - 2023
Nghiên cứu mô tả cắt ngang, bao gồm 344 bệnh nhân viêm tiểu phế quản có nhiễm RSV, trong đó có 121 trẻ thuộc nhóm nhẹ - trung bình, 223 trẻ thuộc nhóm nặng điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả cho thấy: có 86,3% trẻ dưới 12 tháng, nhóm trẻ dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ cao nhất là 42,7%; Tỷ lệ nam:nữ là 2,01:1. Số ca viêm tiểu phế quản có nhiễm RSV gia tăng vào mùa hè, cao nhất là tháng 5 với 47 bệnh nhân, chiếm 13,6% số bệnh nhân nghiên cứu. Các yếu tố nguy cơ bao gồm trẻ dưới 6 tháng tuổi, đẻ non, cân nặng khi sinh dưới 1500 gam, trẻ có bệnh nền, có tình trạng đồng nhiễm vi khuẩn có liên quan tới viêm tiểu phế quản mức độ nặng (p < 0,05).
#Virus hợp bào hô hấp #viêm tiểu phế quản
TÌNH HÌNH NHIỄM RSV BỆNH VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN CẤP Ở TRẺ EM DƯỚI 2 TUỔI TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG CẦN THƠ NĂM 2019-2020
Đặt vấn đề: Viêm tiểu phế quản (VTPQ) cấp là bệnh thường gặp trong nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới cấp tính và là nguyên nhân hàng đầu đưa trẻ đến khám và nhập viện. Mục tiêu nghiên cứu: (1). Mô tả các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ dưới 2 tuổi tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ năm 2019-2020. (2). Xác định tỷ lệ nhiễm RSV trong bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ dưới 2 tuổi tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ năm 2019-2020. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu cắt ngang trên 131 bệnh nhi từ 1 – đến dưới 24 tháng vào điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ được chẩn đoán VTPQ cấp từ tháng 05/2019 đến tháng 7/2020. Kết quả: Tỷ lệ trẻ <6 tháng tuổi chiếm đa số với 72,5%, trẻ trai 73% và trẻ gái là 27%. Phân độ viêm tiểu phế quản trên lâm sàng có 3,1% nhẹ, 93,9% trung bình và 3,1% mức độ nặng. Các tháng có số ca mắc bệnh cao là: tháng 01, tháng 6 và 7 tháng 10, 11 và 12. Triệu chứng ho chiếm tỷ lệ 96,18%, khò khè 100%, 90,8% ran ngáy và 84,73% ran ẩm kết quả X-quang phổi: thâm nhiễm là 90,84%, xẹp phổi là 1,53%. Tỷ lệ nhiễm RSV ở trẻ viêm tiểu phế quản cấp là 10,7%. Kết luận: Viêm tiểu phế quản là bệnh hay gặp nhiều ở trẻ em nam chiếm 73%, tỷ lệ  trẻ viêm tiểu phế quản cấp do nhiễm RSV chiếm tần suất 10,7%.
#Virus hợp bào hô hấp (RSV) #viêm tiểu phế quản cấp #trẻ em
Tổng số: 7   
  • 1